Áo Dài Truyền Thống Trở Lại Thời Hoàng Kim?
Hình ảnh những chiếc áo dài thướt tha luôn thu hút ánh nhìn của nhiều người, nên phải mặc sao cho đẹp chiếc áo dài vốn là trang phục truyền thống của dân mình.
Tết Nguyên đán năm rồi, xách máy ảnh đi dạo ở phố đi bộ Sài Gòn, hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… thấy có rất nhiều bạn trẻ diện chiếc áo dài cũn cỡn với chiếc quần… không đáy rộng thùng thình khiến những người hoài cổ như tôi cứ mắt tròn mắt dẹt mà nhìn.
Sau đó là những cuộc khẩu chiến gay gắt trên mạng, dẫn đến nhiều người hủy kết bạn một số bạn bè trên Facebook vì… “không chung quan điểm”, “không cùng nhìn về một hướng”. Đến khi bộ phim Cô Ba Sài Gòn được công chiếu, chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đã được ưa chuộng hơn, nhất là trong giới trẻ Sài Gòn. Bên cạnh đó, Lễ hội áo dài do Sở Du lịch TP tổ chức hằng năm cũng góp phần quan trọng trong việc tôn vinh chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp hài hòa, duyên dáng của chiếc áo dài – nhất là khi chiếc áo dài được mặc từ những ai có dáng vóc phù hợp, cung cách ung dung mềm mại. Sài Gòn gần 50 năm về trước, chiếc áo dài thông dụng đến mức đi đâu người ta cũng mặc, kể cả đi chợ. Phụ nữ có thai lúc ấy cũng không rời chiếc áo dài, chỉ cần mặc thêm một chiếc áo bầu ngắn bên ngoài là vừa kín đáo vừa lịch sự. Và những con đường Sài Gòn với hàng cây dầu, hàng me xanh mướt trở nên lãng mạn với những tà áo dài trắng, chiếc nón lá, chiếc cặp đi học được ràng trên yên sau xe đạp – những hình ảnh không thể phôi pha theo thời gian.
Tôi có những người bạn tuổi đã sắp… nghỉ hưu, rảnh rỗi là hẹn nhau mặc áo dài đi… chụp hình. Nhiều lần tôi phải nín thở vì các bạn mình mặc áo dài quá đẹp, dù đó chỉ là chiếc áo dài truyền thống đơn giản, cổ áo cao ba phân và không hề có một chi tiết nào cách tân.
Không mặt lạnh như tiền kiểu người mẫu khi biểu diễn, bước đi không uyển chuyển như đi trên sàn catwalk nhưng phong thái khoan thai, điềm đạm và nụ cười tự nhiên làm sáng bừng gương mặt nhân hậu của những thiếu phụ hơn năm mươi tuổi – cái tuổi đã vượt qua bao thăng trầm, hỉ nộ ái ố của cuộc sống đa đoan – đã làm các khách lữ hành đi ngang qua phải đứng lại nhìn. Đó là điều mà những bộ áo dài gọi là cải tiến, biến tấu của các bạn trẻ không thể làm được.
Thời buổi hiện đại ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, không có gì khác hơn là dùng chính những hình ảnh đẹp để lan tỏa và giữ gìn những giá trị đẹp, thay vì tập trung khai thác những gì chưa đẹp. Đó cũng chính là nét nhân văn, một cung cách ứng xử văn minh cần có trong thời buổi thông tin đa dạng nhiều chiều khiến giới trẻ dễ mất phương hướng, trong đó có cách mặc sao cho đẹp chiếc áo dài vốn là trang phục truyền thống của dân mình, nhất là khi tết đến xuân về.
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA – Theo báo Tuổi trẻ